Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

đặng văn nhâm


TÀU CỘNG KHAI CHIẾN Ở BIỂN ĐÔNG LÀ...TỰ SÁT!

 ĐẶNG VĂN NHÂM

Tình hình thế giới ngày càng căng thẳng dữ dội do các hoạt động quân sự có tính cách đương đầu đang diễn ra dồn dập giữa 3 đại siêu cường Mỹ - Nga và Trung Cộng. Tuy lúc này chưa diễn ra một cuộc thử lửa nào giữa các siêu cường ấy, nhưng có thể sau ngày 12.7.16, khi Hội Đồng Trọng Tài Quốc Tế PCA ở La Haye đã công bố phán quyết về vụ nhà nước Phi Luật Tân kiện Trung Cộng thì đột biến gì sẽ xảy ra không ai có thể tiên đoán được. Mặc dù vậy, căn cứ trên các dữ kiện lịch sử cận đại cộng với các tham vọng chính trị đã được các bên đối thủ công khai  bộc lộ qua con đường ngoại giao và các hoạt động phô trương võ lực của họ, cấp thời chúng ta thử đặt ra 2 kịch bản có tính sát thực tế nhất như sau : 1.- Chiến tranh giữa Tàu Cộng và Mỹ. 2.- Chiến tranh giữa liên minh Nga Tàu với Mỹ.

Nhưng trước khi đi sâu vào kịch bản thứ nhất này, thiết tưởng ta cần phải nhận dạng rõ rệt 3 tay chơi  đã kể,  trên võ đài thế giới. Hiển nhiên ai cũng biết Hoa Kỳ vốn là một võ sĩ quyền Anh hạng nặng luôn dồi dào sinh lực với lối chơi đầy kinh nghiệm và không thiếu những đòn ngầm vô cùng hiểm độc, đã từng đoạt ngôi vị vô địch thế giới liên tục trong nhiều thế kỷ qua. Trong khi đó tay chơi  Vladimir Putin của Nga Sô chẳng qua chỉ là một anh võ sĩ Karaté đai đen rất tầm thường với mấy ngón nghề lặt vặt vừa đủ để tự vệ và ăn hiếp  mấy chú em ngỗ nghịch trong lối xóm như Tchétchènes, Georgia, Ukraine với  3 cậu nhỏ vùng biển Baltic v.v... Chót hết là tay chơi Tàu Cộng Tập Cân Bình. Vốn gốc bần cố, chân tay còn lấm bùn bê bết, nhưng lòng đã chứa đầy tham vọng thô lỗ, ngông cuồng. Anh nhà giàu mới  này bỗng sớm ngứa nghề cũng nhảy lên võ đài chính trị thế giới , đòi so găng với Hoa Kỳ với sự trợ lực đánh hôi của  Vladimir Putin.

1.- CUỘC CHIẾN TRANH TÀU CỘNG VỚI MỸ

Ngay 20 năm sau khi cuộc bang giao giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ được thực hiện, 2 nhà bình luận chính trị  uy tín thế giới  là Richard Bemstein và Ross H. Munro đã cho ra đời tác phẩm" The Coming Conflict with China" ( New York , Knopf,1997)  nhằm chứng minh rằng một cuộc chiến tranh dành quyền lực giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ trong tương lai gần sẽ không thể nào tránh khỏi.

Quả nhiên đúng như thế. Sau 2 thập niên tiến hành chương trình cải tiến kinh tế, Trung Cộng đã thoát khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu của chủ nghĩa vô sản và trở nên một cường quốc. Theo các chuyên gia nghiên cứu và phân tách trong và ngoài nước Tàu, ngày nay Bắc Kinh đã bắt đầu tìm được một ngôi vị đáng kể  trên võ đài chính trị thế giới và đã có phần nào khả năng để trả thù cho mối hận " một trăm năm bị áp chế và sỉ nhục" của các nước Tây phương mà Hoa Kỳ đang cầm đầu. Trong con mắt của người Tàu, chẳng những Hoa Kỳ là một nước tiêu biểu nhất cho các nguồn lực tiến bộ của khối Tây phương, nhưng đồng thời nó cũng còn là một chướng ngại quan trọng đối với các tham vọng bành trướng của nước Tàu. Như ta thấy, đến cuối thế kỷ XIX các giới lãnh đạo Trung Cộng đã tỏ ra rất cần đến các nguồn khoa học kỹ thuật của khối Tây phương, nhưng họ vẫn còn muốn bảo tồn " những đặc tính độc tài phong kiến kiểu Tàu" của đất nước họ. Đối với các chủ trương dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận của Mỹ và khối Tây phương, các nhà  cai trị Tàu coi như là một thứ độc dược vô cùng nguy hại cho chế độ Cộng Sản của họ, cần phải dùng võ lực để " nhổ tận gốc , trốc tận rễ". Nếu Mỹ và Tây phương lên tiếng,  lập tức nhà nước CS Tàu liền phản kháng điên cuồng và cho đó là hành động can thiệp , xâm phạm trắng trợn vào nội trị của Tàu. Cụ thể hơn hết là vấn đề Đài Loan. Từ khi mới chiếm được Hoa lục năm 1949, nhà nước Trung Cộng vẫn luôn coi Đài Loan như một phần lãnh thổ của  nước Tàu, cần phải chinh phục bằng mọi giá. Nhưng cho đến nay  Trung Cộng vẫn không dám động binh xâm chiếm vì nơi đó đã nằm trong bàn tay bảo vệ của cường quốc Hoa Kỳ.  Quan trọng hơn hết, với tham vọng bá quyền toàn vùng Đông Nam Á Châu gồm cả Nam Hàn, Nhật Bản,  Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore, Brunei, Miến Điện , Thái Lan, Việt Nam, Lào, Căm Bu Chia, thậm chí còn xa hơn nữa là đến tận Bangladesk, Pakistan và Ấn Độ v.v...Tàu Cộng đã dùng thủ đoạn " lấy thịt đè người" và " lấy tiền để mua chuộc" cùng một lúc " lấy võ lực để đe dọa", nhưng không dè vẫn cứ bị cường địch Hoa Kỳ nhảy vào cản trở.

Về phía Hoa Kỳ, vốn là một siêu cường nguyên tử và kinh tế từng có ảnh hưởng bao phủ toàn cầu từ mấy thế kỷ qua, nên không khi nào chịu để cho một đối thủ mới vùng lên như Tàu Cộng làm một cú lật đổ ngang xương và tùy tiện áp đặt một cuộc chia chác thế lực toàn cầu như vậy.Do đó trong con mắt của đảng Cộng Sản Tàu ngày nay Hoa Kỳ đã trở thành một đối thủ chính yếu độc nhất đủ khả năng ngăn chận mọi tham vọng bành trướng của họ , nên họ cần phải tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Cuộc đối đầu cuồng dại này của Tàu Cộng đã được thực hiện bởi lòng tin chiến thắng của đám lãnh đạo nhà nước Tập Cận Bình cộng thêm tinh thần hồ hởi phấn khởi một cách thô bạo nông nổi trước viễn ảnh bá chủ toàn cầu của đa số dân Tàu từ lâu vốn  phải sống trong cảnh nghèo đói và bị chà đạp tủi nhục truyền tử lưu tôn. Vì đã bị đảng và nhà nước nhồi sọ kỹ từ năm 1949 nên dân Tàu cứ đinh ninh con cọp Mỹ chỉ là loại cọp giấy, nào ngờ đó chính là một con cọp thiệt với  đầy đủ các loại  nanh vuốt vô cùng khủng khiếp có khả năng tàn sát hàng triệu dân Tàu trong vài phút.

Bây giờ là lúc mà giới lãnh đạo Trung Cộng cho rằng họ đã hội đủ điều kiện tinh thần và võ lực để chống chọi ngang ngửa với đế quốc tư bản Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo truyền thống chiến tranh từ cổ xưa của người Tàu, họ chỉ khởi chiến khi nào cảm thấy đã nắm chắc thắng lợi trong tay  hoặc chiến thắng mà thiệt hại rất ít. Song  lý tưởng nhất  vẫn là ..." bất chiến tự nhiên thành"! Nhưng, bây giờ tình huống hiện tại đã hoàn toàn khác hẳn ngày xưa, nhất là trước một đối thủ Hoa Kỳ cường ngạnh lại chuyên ứng dụng chiến thuật nhanh chóng "đánh phủ đầu" với tiêu ngôn bình dân " đánh trước làm cha , đánh sau làm con" , thì các tay chiến lược gia Tàu Cộng khó mà thực hiện được mục tiêu " bất chiến tự nhiên thành" hay" chiến thắng với giá rẻ". Do tính chất khác biệt nêu trên của 2 đối thủ, chúng ta mới có dịp nhận ra hành động " vừa đíu vừa run" của quân Trung Cộng trong vụ "Biển Đông". Từ lúc khởi đầu đến nay Tàu Cộng chỉ toàn đánh võ mồm nhằm đe dọa các tiểu quốc trong vùng chứ chưa dám dùng đến võ lực để tấn công xâm lăng thực sự một nước nào, ngoại trừ Việt Nam. Nực cười nhất là trong khoảng thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã dụ được kẻ đồng minh giai đoạn là Vladimir Putin của Nga nhập bọn,  để  gây áp lực với Hoa Kỳ và đồng thời cũng để phòng ngừa bị Mỹ đánh phủ đầu.

Mặt khác, trên phương diện kinh tế và thương mãi,  ta thấy sự liên hệ giữa 2 cường quốc Hoa Kỳ và Trung Cộng đã đan kết rất chằng chịt và vô cùng phức tạp với nhau . Hàng chục năm qua Hoa Kỳ đã tiêu thụ đến trên một phần ba (1/3)  các sản phẩm xuất cảng của Trung Cộng. Trong khi  ngược lại, Hoa Kỳ là nước  duy nhất đã cung cấp những kỹ nghệ khoa học tân tiến nhất cho Tàu Cộng để họ mau chóng lột xác từ loài sâu hóa thành con bướm.  Nước Mỹ đã thu hút cả một làn sóng sinh viên ào ạt tràn vào các đại học danh tiếng.Trong số, phần đông đều là bọn con ông cháu cha và  bọn " công tử đảng " của chế độ CS Tàu. Cũng từ nước Mỹ các hệ thống liên mạng điện tử toàn cầu của Trung Cộng đã  mau chóng phát triển để kịp so bước với nền văn minh hiện đại.

Từ thuở bình minh của thế kỷ XXI, Hoa Kỳ đã bắt đầu phải đối phó với phong trào " khủng bố toàn cầu". Đáng kể nhất là cuộc đánh bom đẫm máu  ngày 11.9.2001  đã xảy ra ngay trên đất Mỹ càng làm tăng thêm tính chất phức tạp trong liên hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Qua những cuộc vội vã cuống cuồng tháo chạy khỏi Lào, Căm Bu Chia và Việt Nam, Trung Cộng cứ tưởng là Mỹ đã trở nên hoàn toàn thụ động. Nhưng không ngờ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9. 2001 tại New York của Ben Laden, nước Mỹ  bất chợt vùng lên phản ứng kịch liệt nhắm vào 2 nước Iraq và Afghanistan khiến cho Trung Cộng phải xét lại chính sách đối ngoại của mình. Trước một nước Mỹ  hùng mạnh cực kỳ hung hãn và vô cùng tàn bạo đối với kẻ thù như thế, tự nhiên chế độ Tập Cận Bình chợt nhận ra khả năng xoay trở đối phó quân sự của quân Tàu Cộng quá hạn hẹp và rất yếu kém trong cuộc đối đầu với Mỹ ở Biển Đông. Nhìn về phía Mỹ , ta thấy trong giai đoạn ngắn hạn, sự tái tục đầu tư của Hoa Kỳ trong vùng Á Châu Thái Bình Dương chỉ có tính cách tạo dựng thế quân bình tương xứng với Trung Cộng để tránh khỏi phải  sớm đối chọi bằng võ lực. Nhưng ngược lại, không ngờ quân Trung Cộng lại sinh lòng nghi ngờ đế quốc tư bản Mỹ đã âm mưu kết hợp các đồng minh Á châu để bao vây và áp chế mình. Càng đáng hồ nghi hơn nữa cũng trong thời gian ấy TT Bill Clinton lại tuyên bố coi " Trung Cộng như một đối tác chiến lược" của Hoa Kỳ. Sau đó đến lượt TT G.W. Bush cũng ngỏ ý không khác gì Clinton, cũng coi Tàu Cộng như một " đối thủ chiến lược" ( compétiteur stratégique).

2.- LIÊN MINH TÀU-NGA ĐÁNH NHAU VỚI MỸ

A.- Cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin mới đây đã cho cả thế giới thấy 2 kẻ cựu địch thủ Nga-Tàu đã công khai tái lập liên minh với vỏ bọc giao thương và trao đổi tài nguyên thiên nhiên để giấu nhẹm mục tiêu chiến lược chính trị nhằm cộng lực đối phó với cường địch Hoa Kỳ. Đây là một hiện tượng " kẻ cắp và bà già bắt tay  nhau"  khá mới lạ, nên ta cần phải soi rọi kỹ càng hơn. Lui về quá khứ lịch sử bang giao giữa 2 nước Cộng Sản lớn nhất thế giới ấy, ta thấy từ năm 1949 ( thời điểm đánh dấu cuộc cách mạng vô sản của nước Tàu)  cho đến năm 1961 ( thời điểm đánh dấu cuộc đoạn giao giữa Nga -Tàu), Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã cùng nhau đứng  dưới bóng cờ Cộng Sản với dấu hiệu búa và lưỡi liềm để chung lòng , chung sức chống lại" đế quốc tư bản Hoa Kỳ". Vậy , bây giờ, phải chăng cuộc liên minh này sẽ thực sự tái phục hồi?

Nên biết, trong thời gian chiến tranh Kosovo, một quan chức cao cấp Nga tên Tchernomyrdine, đặc phái viên của TT Nga  Boris Yeltsin , đã tỏ ra không ngần ngại triển khai đề tài " liên minh Nga -Tàu"  ngay trên các phương tiện bào chí truyền thông Mỹ để hù dọa dân tộc Mỹ và gây áp lực trắng trợn với chính phủ Hoa Kỳ. Nay đến lượt Vladimir Putin,  kẻ kế vị Yeltsin, cũng tìm cách mon men cầu thân với cựu đồng minh Trung Cộng để một mặt hợp tác kinh tế ( đang ngày càng bị co cụm đến khốn đốn vì Mỹ và khối đồng minh Tây phương phong tỏa kinh tế rất chặt chẽ sau cuộc chiến với Ukraine) đồng thời mặt khác xin hiến thân làm đồng minh chiến lược cho Tàu!

Cuộc liên minh Nga-Tàu này quả thực đã đem đến cho Hoa Kỳ một mối lo ngại đáng kể. Vì nó bao gồm cả một khối địa lý mênh mông nằm vắt ngang vùng Bắc bán cầu suốt từ Âu sang Á và làm bàn đạp thoải mái cho cả 2 cường quốc Nga-Tàu hiện thời đã trở nên đối thủ tranh chấp quyền lực với siêu cường quốc Hoa Kỳ. Càng quan trọng hơn nữa là cả 2 quốc gia này đều thủ đắc võ khi nguyên tử  và áp dụng chính sách cai trị độc tài toàn trị kiểu Cộng Sản. Ngoài ra, họ cũng đều có chân thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với đặc quyền "Veto" (quyền phủ quyết).

B.- Dù vậy, theo tôi, liên minh Putin-Tập Cận Bình nói trên chỉ có tính cách phường tuồng phát sinh do lòng phẫn uất và sự mất mặt của 2 cá nhân lãnh đạo độc tài kiểu Cộng Sản ấy chỉ  gây sốc cho thế giới tự do trong một giai đoạn ngắn nhân vụ Biển Đông chứ không có chính nghĩa gì để lôi cuốn cả 2 dân tộc Nga-Tàu vào cuộc tắm máu toàn cầu.Vẫn theo tôi, về lâu về dài, liên minh gượng ép này của riêng  2 cá nhân ấy sẽ mau chóng tan vỡ vì nhiều nguyên nhân mâu thuẫn và các cuộc đối chọi lý tưởng quan trọng sau đây: Vào năm 1961,  khi ấy , hai nước  Nga- Tàu vẫn còn thờ chung chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng vẫn cứ đối nghịch đến mức phải chia lìa như thường , vì lý do  C.S. Tàu đã không chịu nổi cung cách chỉ đạo của đàn anh Nga Sô , nhưng thực chất là CS Tàu đã muốn trở nên ngang hàng với Nga, chẳng khác nào ngày nay, nửa thế kỷ sau, Tàu Cộng đang muốn leo thang lên hàng bá chủ hoàn cầu như Mỹ hoặc ít nhất cũng phải đạt ngôi vị  chúa tể toàn vùng Châu Á Thái Bình Dương! Nên biết , đây là bản chất của dân Tàu ( hay còn gọi là dân tộc tính ). Khi nào  Tàu bị sa sút, yếu thế thì họ tỏ ra rất ngoan ngoãn, dễ thương, dù bị dày séo nhục nhã họ vẫn cam tâm  nhẫn nhịn. (Hãy xem lịch sử Tàu từ thời nhà Thanh cho đến thời Mao Trạch Đông). Nhưng khi đã trổi lên được chút đỉnh, lập tức họ tỏ ra là " ÔNG CON TRỜI " (!) ngay. Họ hành động nghênh ngang, thô bạo coi các giới ngoại nhân đều như cỏ rác. Nên nhớ: Trong cuộc viếng thăm chính thức Anh quốc của Tập Cận Bình, đám quan chức tùy tùng đã hành xử ngang ngược, thô lỗ, phi văn hóa với cả những nhân vật phục vụ hoàng gia, khiến nữ hoàng Elisabeth II đã phải vượt lệ thường, lên tiếng công khai phê bình trên các hệ thống truyền tin!

Trong suốt thời gian giao lưu với Nga Sô Viết, từ thế kỷ XIX, - khi đó Nga Sô đã trở nên một cường quốc thế giới và Tàu Cộng vẫn còn là một nước thuộc thế giới thứ ba ( tiers-monde) - Tàu Cộng luôn ấm ức cho rằng đã bị kẻ đàn anh này đối xử bất bình đẳng gây thiệt hại lãnh thổ cho Tàu.Sau này, khoảng thập niên 80 , Tàu Cộng đã  trở nên một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh. Trong khi đó, ngược lại Nga Sô ngày càng sa sút thảm hại. Mặt khác,  mối lo gan ruột của Nga đối với Tàu Cộng là  áp lực nặng nề về dân số ( pression démographique) trong vùng Tây Bá Lợi Á ( Sibéria).Tất cả những sự kiện lủng củng nêu trên đã đủ khiến cho Nga Sô và Tàu Cộng không thể nào và không bao giờ có thể trở nên cặp đồng minh đối tác trung thành và bền bỉ được!

TÀU CỘNG KHAI CHIẾN LÀ...TỰ SÁT!

Tóm lại, theo thiển kiến của kẻ viết bài này: Liên minh Putin- Tập Cận Bình mới đây chỉ là một thứ nương tựa nhất thời mang tính 2 cá nhân cùng cảnh ngộ trước một cường địch đáng sợ về võ lực.( Dẫn chứng so sánh: 1.- CHI PHÍ QUÂN SỰ: Hoa Kỳ hằng năm trên 300 tỷ MK.Trong khi đó, ngược lại, Nga chỉ có 45 tỷ MK và Tàu Cộng chỉ có 14,5 tỷ MK!  2.-VÕ KHÍ NGUYÊN TỬ: Hoa Kỳ: số lượng võ khi chiến lược là 8.500  và chiến thuật là: 320. : Ấy là chưa kể đến tiềm năng võ lực mạnh mẽ của khối đồng minh Tây phương gồm Anh, Đức , Pháp, Ý, Úc, Gia Nã Đại,  Nam Hàn , Nhật Bản v.v.... Các nước này luôn sát cánh với Mỹ trên các đấu trường chính trị  và quân sự toàn cầu... Trong khi đó ngược lại, Nga Sô chỉ có 7200 võ khí chiến lược với 284 võ khi chiến thuật. Chót hết, Tàu Cộng chỉ có vỏn vẹn  284 võ khi chiến lược, cộng với 150 võ khí chiến thuật ). * Ghi chú: Những số liệu nêu trên đều đã cũ, nhưng vẫn có giá trị đối chiếu như thường).

Vì thế nên tôi cho rằng những cuộc diễn tập rồng rắn của Tàu Cộng trong vùng Biển Đông mới đây chỉ là một cách giương vây phùng xòe của kẻ yếu , chẳng khác nào đứa trẻ con đi đêm sợ ma phải cầm theo một cây gậy, vừa đi vừa  múa gậy và la lối một mình! Đó không phải là một hành vi khiêu chiến nghiêm trọng. Trước khi tòa trọng tài quốc tế La Haye tuyên bố phán quyết, Trung Cộng đã làm trò hù dọa kiểu trẻ con như thế. Sau khi tòa PCA đã công bố phán quyết,  chắc chắn hoàn toàn bất lợi cho Trung Cộng, hiển nhiên Tập Cận Bình sẽ không còn chút đảm lực nào để ra tay châm ngòi chiến tranh tự sát!

ĐẶNG VĂN NHÂM ( 11.7. 2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét